Quy hoạch treo là gì?
Khi nói đến từ treo, người ta liên tưởng ngay tới hình ảnh lơ lửng, hiện tượng lửng lơ. Nói đến từ treo người ta cũng nghĩ ngay đến một sự việc chung chiêng, một việc làm không đến đầu đến cuối, có làm, hoặc muốn làm nhưng không có thành quả.
“Quy hoạch treo” là tình trạng các quy hoạch có nội dung sử dụng đất nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng tiến độ. Các loại quy hoạch gián tiếp hay trực tiếp liên quan tới đất như: quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch chung xây dựng đô thị, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn; quy hoạch giao thông, thuỷ lợi; quy hoạch ngành (công nghiệp, y tế, thể thao, du lịch, thương mại, nông nghiệp, quốc phòng, an ninh...).
Để thực hiện các quy hoạch đã duyệt, người ta cụ thể hoá bằng các dự án, tiểu dự án. Khi các dự án đã được giao đất mà triển khai chậm tiến độ hoặc không triển khai thì các dự án đó được gọi là “dự án treo”.
Trong sự phát triển kinh tế - xã hội, bất kể quốc gia nào, thời đại nào đều phải có những dự kiến mang tính định hướng phát triển cho tương lai, hoặc là định hướng ngắn hạn, hoặc định hướng dài hạn; và quy hoạch là một trong những dự kiến định hướng này. Trong những dự kiến đó, có dự kiến không thực hiện được với rất nhiều lý do khác nhau và nó được gắn với từ treo. Vì vậy, có thể khẳng định rằng là cứ có quy hoạch là có thể có “quy hoạch treo”, bản thân quy hoạch đã có treo nằm tiềm ẩn rồi! Vấn đề là mức độ treo như thế nào mà thôi.
"Quy hoạch treo”, “dự án treo” tràn lan là một vấn đề gây nhiều nhức nhối, nổi cộm và bức xúc lớn về sử dụng đất trong thời gian qua, nhất là trong giai đoạn quá độ từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Các địa phương ào ào quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, chế xuất công nghệ cao, các đặc khu; vùng nuôi trồng thuỷ sản; quy hoạch hạ tầng kỹ thuật giao thông; khu sinh thái, khu đô thị mới và các khu biệt thự nhà vườn... Trên thực tế, rất nhiều vùng, khu, cụm đã duyệt quy hoạch nhưng không có dự án đầu tư hoặc có, nhưng rất ít dự án, hoặc có nhiều dự án, nhưng không ít dự án “ma” (dự án xin đất nhưng không thực hiện), dẫn tới chủ sử dụng đất trong vùng quy hoạch mất đất canh tác, mất đất ở. Trong khi đó, rất nhiều đất thu hồi lại không có dự án thực hiện và bị bỏ hoang hoá nhiều năm, gây lãng phí đất. Đặc biệt là các chủ hộ có đất ở trong vùng “quy hoạch treo” mếu máo, sống dở, chết dở vì xây dựng, sửa chữa lớn, chuyển nhượng thì không được phép, hạ tầng cấp thoát nước không đầu tư, mà bồi thường, tái định cư thì nhà nước hứa lên hứa xuống mà vẫn không thực hiện. Các chủ hộ không biết đi đâu, về đâu; nhà cửa xuống cấp, hư hỏng, dột nát hàng chục năm nay; mỗi khi gió lớn nơm nớp lo sợ sập nhà, mỗi khi mưa to thì nước ngập ngang nhà, môi trường sống bị ô nhiễm... Ai ở trong cảnh đó mới thấm thía nỗi đau, tác hại và căm thù “quy hoạch treo”!
“Quy hoạch treo” đã và đang gây nên rất nhiều bức xúc trong xã hội theo chiều hướng tiêu cực; tình trạng đơn thư, khiếu nại, tố cáo kéo dài vượt cấp về vấn đề “Quy hoạch treo” nhiều vô kể. Đây là vấn đề làm đau đầu các cấp chính quyền và các nhà quản lý. Báo chí, các cơ quan thông tin và dư luận xã hội đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để bàn thảo, chất vấn vấn đề này.
Vậy đâu là nguyên nhân “quy hoạch treo”, “dự án treo” tràn lan trong thời gian qua? Câu hỏi này hình như cũng được “treo” lơ lửng khá lâu rồi thì phải?
Như trên đã phân tích, vấn đề treo luôn gắn liền với quy hoạch ở bất kỳ nước nào, thời đại nào; nó chỉ khác nhau ở chỗ treo ít hay treo tràn lan. Theo đánh giá chủ quan của người viết thì hiện tượng treo tràn lan trong quy hoạch nói trên có thể do các nguyên nhân đại thể sau:
* Nguyên nhân khách quan:
- Nền kinh tế của nước ta đang phát triển “khá nóng”, “được bung ra” vào thời kỳ đổi mới, thời kỳ quá độ chuyển nền kinh tế tập trung quan liêu sang nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa. Việc đầu tư tăng với tốc độ lớn, trong khi đó quy hoạch không theo kịp và không kiểm soát kịp - Đây là nguyên nhân có tính chất bao trùm.
- Đất nước ta còn nghèo, không có vốn đầy đủ để đầu tư các dự án về cơ cơ sở hạ tầng theo quy hoạch được phê duyệt. Việc đầu tư hạ tầng không theo kịp các dự án về kinh doanh.
- Vẫn còn “tàn dư” của chế độ mệnh lệnh hành chính, giấy tờ. Thói quen quan liêu vẫn còn ngự trị trong điều hành quy hoạch của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương của ta hiện nay.
* Nguyên nhân chủ quan:
- Các địa phương “chạy đua”, “trải thảm đỏ” để thu hút đầu tư, trong khi chưa tìm hiểu kỹ về các nhà đầu tư, cấp phép đầu tư tràn lan không cân nhắc kỹ. Do vậy xảy ra tình trạng rất nhiều dự án “ma”, dự án “thối” mà còn gọi là “dự án treo”.
- Trong khâu lập, thẩm định, duyệt quy hoạch, dự báo còn thiếu chính xác, thiếu cơ sở, định hướng mà còn rất lúng túng, chưa sâu sát thực tế. Có khu vực quy hoạch thì không có nhu cầu sử dụng đất mà có khu không quy hoạch thì nhu cầu sử dụng đất lại rất lớn.
- Sự phối hợp của các loại quy hoạch có nội dung sử dụng đất chưa được nhuần nhuyễn: bao gồm quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch về lĩnh vực xây dựng, giao thông, giao thông thuỷ lợi và các quy hoạch ngành.
- Khâu điều chỉnh quy hoạch còn chưa linh hoạt, dập khuôn máy móc, không kiên quyết xử lý các khu vực “quy hoạch treo”, chưa kiên quyết hoặc còn né tránh thu hồi đất các “dự án treo”.
- Các chủ dự án còn có tâm lý xin đất để chuyển nhượng, trao đổi thu lợi nhuận, không thực sự đầu tư để sản xuất kinh doanh.
- Khâu bồi thường giải phóng mặt bằng còn trì trệ, kéo dài, chưa quyết liệt, không dứt điểm.
Giải quyết “quy hoạch treo” tràn lan là vấn đề hết sức quan trọng và nan giải, không dễ gì giải quyết được trong thời gian một sớm, một chiều; đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp chính quyền, các địa phương, các ngành liên quan; đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; đồng thời phải chú trọng nâng cao hơn nữa về chất lượng công tác lập, thẩm định quy hoạch và sự phối hợp thống nhất, đồng bộ giữa các loại quy hoạch có nội dung sử dụng đất; xoá bỏ thói quen quan liêu, máy móc trong việc quản lý, điều hành quy hoạch, linh hoạt trong việc điều chỉnh quy hoạch, huỷ bỏ đối với các quy hoạch đã quá thời hạn theo quy định của pháp luật; kiên quyết thu hồi đất của các dự án vi phạm Luật đất đai, tiến tới triệt tiêu các “dự án treo”; huy động, tận dụng mọi nguồn vốn trong nước, ngoài nước để xây dựng cơ sở hạ tầng sao cho đồng bộ với tốc độc phát triển của nền kinh tế.
Trên đây là đôi dòng suy tư về sự treo trong quy hoạch, cũng là mong mỏi của người viết về việc hạn chế tối đa vấn nạn “quy hoạch treo”, “dự án treo” trong sự quá trình phát triển của đất nước ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét