Thứ Hai, 12 tháng 11, 2018

【Chia sẻ】Xu Hướng Của Kiến Trúc Đương Đại Đang Hot Nhất Hiện Nay Là Gì?

Năm 2010, trong không khí kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội sẽ diễn ra Đại hội KTS toàn quốc lần thứ VIII. Nhân dịp này chắc chắn sẽ có nhiều bài tổng kết nhữnghành quả mà Hội KTS Việt Nam đã làm được trong mấy năm vừa qua, nhưng dù thế nào cũng không thể sánh được với cả 1000 năm lịch sử, vì vậy thiết nghĩ ta nên nhìn về phía trước để phát triển thì tốt hơn là nhìn lại phía sau để đánh giá. Hay đúng hơn là cần nhìn lại những gì chúng ta còn chưa làm được để tiếp tục làm trong thời gian tới – đó là các vấn đề về định hướng kiến trúc, hành nghề kiến trúc và đào tạo KTS. Trong khuôn khổ bài viết này, chỉ xin đề cập vấn đề định hướng kiến trúc. Những xu hướng kiến trúc của ta hiện nay sẽ đi về đâu trong tương lai? Liệu ta có cùng chung dòng chảy với kiến trúc thế giới? Và KTS chúng ta có thể chủ động được đến đâu trong dòng chảy ấy?


XU HƯỚNG KIẾN TRÚC ĐƯƠNG ĐẠI


Với bản chất sáng tạo, Nghệ thuật luôn luôn đi trước thời đại. Những nghệ thuật thuần tuý (như: hội hoạ, âm nhạc, văn học,..) được tự do thể hiện tư tưởng nên có thể đi trước rất xa, báo trước sự thay đổi của xã hội trên phương diện tinh thần. Kiến trúc cũng là một nghệ thuật, nhưng là nghệ thuật tổ chức không gian với vai trò tạo dựng cơ sở vật chất đáp ứng sự biến đổi / phát triển của xã hội, nên bị ràng buộc bởi rất nhiều yếu tố vật chất – kỹ thuật, vì vậy mà luôn “chậm chân” hơn các nghệ thuật khác và chỉ đi trước thời đại một bước – đủ để nghiên cứu thiết kế và thực thi thành hiện thực.

Theo quan điểm duy vật biện chứng và quy luật triết học về tính thống nhất và biến hóa của các mặt đối lập – trong đó giải quyết mâu thuẫn là động lực để phát triển – thì xu hướng phát triển của kiến trúc được khởi đầu từ quan hệ tương tác giữa các phương tiện Vật chất và Tinh thần của thời đại. Như vậy có thể dự báo được xu hướng, tuy nhiên rất khó đảm bảo cho sự phát triển sẽ diễn ra theo đúng định hướng này, vì KTS không đủ quyền lực để điều tiết được nhu cầu cũng như các nguồn lực của xã hội (đó cũng là một lý do khiến các quy hoạch chi tiết của chúng ta luôn phải điều chỉnh mà vẫn cứ là quy hoạch “treo”, còn các quy hoạch dài hạn lại càng khó mà thực hiện được hoàn chỉnh).

“Xu hướng phát triển” là chiều hướng vận động chung của các sự vật / hiện tượng, được rút ra từ một số lượng đủ lớn những trường hợp riêng tương đối gần nhau về tính chất / biểu hiện. Sự hình thành xu hướng (bắt đầu từ một vài công trình tiên phong rồi tăng dần số lượng đến một ngưỡng nhất định) cho thấy kiến trúc đang biến đổi. Kiến trúc thay đổi có nghĩa là xã hội đã đạt được sự tích luỹ về lượng đủ để bắt đầu chuyển biến về chất, và sự biến đổi đó đang diễn ra trên diện rộng. Trước đây, quá trình này tiến triển khá chậm nên kiến trúc ít biến đổi, với những phong cách chủ đạo có tính ổn định và độc tôn trong hàng thế kỷ. Nhưng đến cuối thế kỷ 20, tốc độ phát triển đã trở nên mạnh mẽ hơn, nhanh chóng hơn, xu hướng kiến trúc mới hình thành không có được thời gian bình ổn để nhân rộng mà bị cuốn ngay vào vòng xoay của các chu trình phát triển tiếp theo. Vì vậy, bức tranh kiến trúc đương đại không có một phong cách thống nhất, mà là tập hợp các trào lưu đa dạng từ ôn hòa cho tới cực đoan, phản ánh một thực trạng xã hội phức tạp và biến động. Cũng vì vậy mà các xu hướng kiến trúc có ý nghĩa nhận diện trực tiếp sự vận động đang diễn ra hơn là một dự báo phát triển dài hạn.

Tương quan cụ thể giữa trình độ phát triển của các yếu tố vật chất trong cơ sở hạ tầng xã hội và của các yếu tố tinh thần – ý thức trong thượng tầng kiến trúc làm nảy sinh những nhu cầu xã hội cần được đáp ứng, từ đó dẫn tới sự hình thành các xu hướng phát triển nói chung và xu hướng kiến trúc nói riêng. Trình độ phát triển của các yếu tố vật chất và tinh thần ở các quốc gia / các khu vực ban đầu có thể rất khác nhau, nhưng sự khác biệt đó sẽ thu hẹp dần trên nhiều phương diện và tương quan giữa chúng sẽ tiến tới sự tương đồng nhất định. Xu thế toàn cầu hoá tạo ra sự gia tăng các dòng chảy xuyên biên giới về con người, dịch vụ, tài chính, thông tin và văn hoá. Điều đó dẫn tới kết quả là mặc dù các quốc gia có điều kiện tự nhiên và xuất phát điểm văn hóa – xã hội khác nhau nhưng kiến trúc lại có những xu hướng phát triển khá giống nhau, có chiều hướng tiến lại gần nhau trong tương lai. Sự khác biệt đương nhiên là vẫn sẽ có và ban đầu có thể rất đáng kể, song dần dần sẽ chỉ còn giữ lại những yếu tố đặc thù do khí hậu và văn hóa quy định. Điều quan trọng là các xu hướng được nhận diện (và định hướng theo) không đi chệch ra ngoài bối cảnh phát triển của xã hội.


NHẬN DIỆN CÁC XU HƯỚNG KIẾN TRÚC ĐƯƠNG ĐẠI


Trong 10-15 năm gần đây, nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính 1997, kiến trúc thế giới đã hồi tỉnh và phát triển mạnh mẽ. Bằng cái nhìn chung nhất lướt qua những dự án và công trình được xây dựng, cũng có thể nhận thấy một số xu hướng kiến trúc nổi bật với dấu hiệu đặc thù: về Hình thái kiến trúc có các xu hướng xây dựng cao tầng và xây dựng xen cấy;  về Nội dung hoạt động có xu hướng hỗn hợp chức năng; về Hình thức có xu hướng biểu đạt; về chiến lược phát triển có xu hướng Kiến trúc bền vững.

Xu hướng xây dựng cao tầng

Xây dựng cao tầng không phải là xu hướng mới nảy sinh, mà là sự nối tiếp trào lưu đô thị hoá tập trung bùng nổ trong những năm 1980-1990, nhưng với những cách tân lớn về tính chất, hình thức, không gian,.. trên cơ sở phát triển công nghệ thi công, kỹ thuật an toàn và công nghệ vận chuyển. Ở thời điểm những năm 1980- nhà 9-15 tầng đã được gọi là cao tầng (multi-storey), thì nay chỉ còn là loại trung bình (middle-rise). Nhiều loại hình kiến trúc trước đây thường có bố cục dàn rộng vì bị khống chế về chiều cao, hoặc phải bố trí độc lập (Ví dụ: các công trình y tế, văn hóa, giáo dục,..) thì nay đã bắt đầu được thiết kế hợp khối và xây dựng cao tầng. Với giá đất đô thị ngày càng đắt đỏ, thì logic tự nhiên là kiến trúc phải vươn lên cao để khai thác tối đa khả năng xây dựng của địa điểm, đồng thời tận dụng được hiệu quả thị giác của chiều cao vượt trội để tạo dựng giá trị tinh thần (bằng hình tượng / tính biểu tượng – như là một dấu hiệu để nhận diện đô thị, nhận biết địa điểm, tiếp thị cho công trình). Vụ khủng bố đánh sập toà tháp đôi WTC ở NewYork (2001) không những không làm nhụt chí các nhà đầu tư, mà dường như lại châm ngòi cho cuộc đua tranh xây dựng cao tầng diễn ra trên khắp châu lục.

Nói chung, xây dựng cao tầng là phương thức phổ biến nhất để tạo nên các cực phát triển cho đô thị – thường là các khu thương mại tập trung (CBD) và các khu vực phát triển mới ở ngoại vi thành phố, nơi có điều kiện thuận lợi để đầu tư xây dựng hệ thống giao thông và hạ tầng đồng bộ với kiến trúc.

Xu hướng xây dựng xen cấy

Một số lượng rất đáng kể các công trình (cả cao tầng và thấp tầng) được xây dựng theo hướng tái khám phá / tái khai thác các khu vực đã ổn định về quy hoạch với mật độ xây dựng cao (khu phố cổ, phố cũ, trung tâm lịch sử, khu vực bảo tồn,..), chấp nhận diện tích đất không được rộng và giá trị đầu tư ban đầu lớn, nhưng bù lại tận dụng được các lợi thế của địa điểm (phản ánh giá trị tinh thần và khẳng định vị thế xã hội). Các hình thức xen cấy thường gặp là: cải tạo, mở rộng, chuyển đổi chức năng công trình đó có; thích ứng hóa công trình có giá trị di sản; xây dựng ngầm để giải toả về thị giác các công trình có khối tích lớn; chiếm lĩnh chiều cao và không gian tại những vị trí chật hẹp; tái thiết môi trường kiến trúc bằng các dự án hồi sinh đô thị. Vấn đề cơ bản đảm bảo thành công cho xu hướng này là cách thức ứng xử đúng mức với cái đã có trước (bảo tồn tiềm năng di sản và cảnh quan đô thị, hòa hợp với ngữ cảnh kinh tế, văn hoá, xó hội) để gắn kết hữu cơ với cảnh quan chung và cộng sinh trong việc khai thác địa điểm mà không gây xáo trộn / đột biến cho đời sống dân cư và đô thị. Phương thức phát triển xen cấy và hình thái cư trú mật độ cao của các nước đang phát triển là những cơ sở thực tiễn của lý thuyết đồng địa điểm (co-location), từ đó hình thành các mô hình đô thị nén (compact city) và đô thị song song (parallel city) trong lý thuyết phát triển đô thị bền vững.

Xu hướng hỗn hợp chức năng

Xu hướng đa năng hóa cũng đã hình thành từ những năm 1960-70 do việc phát huy một cách máy móc tinh thần của Chủ nghĩa Công năng (cho rằng: hình thức đi theo nội dung) khiến cho kiến trúc trở thành đơn điệu, khô cứng trong khi cuộc sống lại rất đa dạng phong phú. Mâu thuẫn giữa tuổi thọ lâu dài và tính ổn định của công trình với sự biến đổi nhanh chóng nhu cầu của xã hội phát triển, khiến cho hiệu suất sử dụng không được cao. Một vài thể loại kiến trúc của giai đoạn 1970 (công trình biểu diễn) đã được xây dựng với ý đồ dùng kỹ thuật để thay đổi không gian một cách vạn năng (universal), nhưng vận hành nặng nề và giá thành rất cao, bản thân thiết bị nhanh chóng lạc hậu và hư hỏng do không được sử dụng và bảo dưỡng thường xuyên. Sau đó, do suy thoái kinh tế, nên kinh phí của nhà nước cấp cho các công trình có tính phúc lợi (vốn được duy trì trong suốt thời gian chiến tranh lạnh như một biểu hiện của xã hội dân chủ) ở hầu hết các nước đều bị cắt giảm, dẫn đến sự khủng hoảng của kiến trúc hiện đại trong những năm 1980-. Hiện nay, nhờ ứng dụng vật liệu xây dựng mới, công nghệ tự động hóa, trang thiết bị gọn nhẹ và được sản xuất công nghiệp ở trình độ cao (vạn năng hoá – unification) nên kiến trúc đang thoát khỏi sự lệ thuộc vào kỹ thuật và chuyển hướng đa dạng hóa nội dung hoạt động: công trình từ đơn năng trở thành hỗn hợp chức năng (mix-function / mix-used) để phục vụ đồng thời nhiều đối tượng khác nhau. Không gian từ đơn năng trở thành đa năng (multi-used / multi-purpose) để sử dụng linh hoạt cho nhiều nhu cầu khác nhau.

Xu hướng biểu hiện

Thực ra đây cũng không phải là một xu thế hoàn toàn mới, mà là pha thứ ba của các trào lưu biểu hiện (Expressionism) trong thế kỷ 20, vốn bắt nguồn từ sự ra đời của các trào lưu tư tưởng tiến bộ và gắn liền với việc khám phá khả năng của vật liệu và kết cấu mới. Theo tam đoạn thức Vật liệu – Kết cấu – Hình thức của Kiến tạo kiến trúc (Architectonic), trong nhiều trường hợp gần đây, việc sử dụng vật liệu và kết cấu hiện đại với những tính năng kỹ thuật chưa từng có đã làm thay đổi hoàn toàn quan niệm truyền thống về hình thức. Với đặc tính cố hữu là tính nhịp điệu và tính hệ thống, các yếu tố kết cấu – kỹ thuật ngày càng tham gia nhiều hơn vào tạo hình kiến trúc và tác động tới sự cảm nhận thị giác, góp phần hình thành giá trị thẩm mỹ của công trình (như phong cách Hi-tech) và biểu hiện tinh thần của thời đại (như trào lưu De-construction). Hình thức kiến trúc có xu hướng khai thác các trạng thái có tính động của kiến trúc; tính linh động / linh hoạt của không gian và các yếu tố định hình, cho tới tính động (dynamic) trong hình thể và cảm xúc, rồi tới các cấu trúc vô định hình, cấu trúc fragtal,.. để phản ánh động thái phát triển của xã hội đương đại, nhấn mạnh tính linh hoạt của kiến trúc trong một thế giới luôn biến đổi. Sự tương phản trong sự thống nhất giữa các thành phần kiến trúc cố định – biến đổi, động – tĩnh, mới – cũ, nguyên gốc – xen cấy, kết cấu chịu lực – bao che,.. cũng được khai thác để phản ánh sự phát triển biện chứng của nhận thức xã hội về các mối quan hệ giữa Quá khứ – Tương lai, Truyền thống – Hiện đại, Bảo tồn – Phát triển,..

CÁC TRÀO LƯU KIẾN TRÚC “XANH”


Cuối thế kỷ 20, sự phát triển đô thị và sản xuất công nghiệp vượt quá ngưỡng cân bằng và thiếu kiểm soát, dẫn đến sự biến đổi khí hậu toàn cầu, làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và xói mòn truyền thống văn hoá đã ngày càng rõ nét. Từ chỗ là vấn đề của một vài nước đó trở thành vấn đề toàn cầu / liên khu vực. Bối cảnh đã dẫn tới sự khởi đầu của Kiến trúc sinh thái cho khu vực nhiệt đới từ cuối thập kỷ 1970 (với luận điểm và nghiên cứu của Ken Yeang trong các cuốn “Design with the Nature” và “The Green Skyscraper”), rồi dần dần nảy sinh thêm các trào lưu khác, được gọi chung là Kiến trúc “xanh”. Tất cả cùng chung mục tiêu tìm kiếm giải pháp cho những khía cạnh khác nhau của mối quan hệ thân thiện giữa Kiến trúc và Môi trường, đặt trong một chiến lược phát triển bền vững:

+ Kiến trúc sinh thái: giảm thiểu tác động có hại tới môi trường (khói bụi, chất thải, nhiệt, tiếng ồn, nước,..).

+ Kiến trúc sinh – khí hậu: thích ứng với điều kiện khí hậu đặc thù của từng vùng.

+ Kiến trúc tiết kiệm năng lượng: hiệu suất năng lượng cao, sử dụng năng lượng tự nhiên có thể tái tạo được (gió, mặt trời, địa nhiệt,..).

+ Kiến trúc thông minh: được lập trình để điều tiết tự động các hệ thống kỹ thuật.

 Hiện nay, các trào lưu này đang lan tỏa đến hầu hết các khu vực khác nhau trên thế giới, trong đó có Việt Nam.


KIẾN TRÚC VIỆT NAM ĐANG Ở ĐÂU?


Theo cách nhận diện trên đây, giữa các xu hướng không có sự phân chia ranh giới một cách rạch ròi triệt để, mà sẽ có sự giao thoa đáng kể – vì một công trình thường nổi trội trên nhiều phương diện, nên có thể được xếp vào các xu hướng khác nhau tuỳ theo mục đích và đặc trưng được quan tâm. Do bản chất của kiến trúc là “phức hợp và mâu thuẫn” nên về tổng thể, các xu hướng này không phân cực tới mức tan rã, mà có liên hệ với nhau, bổ sung cho nhau, tạo nên một bộ mặt đa dạng, phong phú cho kiến trúc đương đại. Trong quá trình phát triển tiếp theo của xã hội, chúng sẽ có sự phân hóa và kết hợp để tiếp tục hình thành những trào lưu mới, xu hướng mới.

Trên quan điểm này, nhìn vào thực trạng kiến trúc Việt Nam cũng thấy nổi lên một số xu hướng có thể gọi bằng những cái tên tương tự: xây dựng cao tầng, xây dựng xen cấy, hỗn hợp chức năng và biểu đạt. Như vậy là về mặt hình thức có thể tạm “yên tâm” rằng, chúng ta đang cùng chung dòng chảy với thế giới. Nhưng để hội nhập thì vẫn còn một khoảng cách rất lớn về nội dung và tư tưởng (do các nước đã đi trước chúng ta đến hàng chục năm).

Phần lớn công trình cao tầng trong các khu đô thị mới ở Việt Nam hiện nay được xây dựng không xuất phát từ nhu cầu thực tế của người trực tiếp sử dụng mà chỉ nhằm tối đa hóa khả năng sinh lợi cho chủ đầu tư, nên hạ tầng kỹ thuật thiếu đồng bộ, hạ tầng xã hội bị cắt giảm đến mức tối thiểu. Trong các khu phố cổ / phố cũ với nhu cầu sinh sống rất cụ thể và cấp thiết, nhưng diện tích xây dựng quá chật hẹp thì kiến trúc dù là tự phát hay được cấp phép, cũng chỉ còn đường phát triển lên cao, làm biến dạng hình ảnh đặc trưng của khu vực, từng bước xóa sổ hình thái kiến trúc và cảnh quan đô thị có tính lịch sử.

Xây dựng cơi nới / xen cấy vốn là một giải pháp tình thế nhằm cải thiện tình trạng nhà ở những năm 1980 nhưng đã nhanh chóng trở thành phổ biến ở mọi khu vực, với mọi loại hình kiến trúc, đến mức có thể được xem là một hiện tượng đặc trưng cho kiến trúc và sức sống đô thị (mà nhóm MVRDV đã “học tập” để giải quyết một số công trình ở Hà Lan). Tuy nhiên, việc xen cấy đang được tiến hành một cách tự phát, hầu như chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu riêng của từng cá thể mà không vì lợi ích chung của cộng đồng (thậm chí là còn xâm hại lẫn nhau), chưa quan tâm đến các vấn đề thiết kế đô thị và bảo tồn cảnh quan văn hoá.

Xét về phương thức biểu đạt thì xu hướng chủ yếu của kiến trúc Việt Nam hiện nay (như đã được tổng kết trong một nghiên cứu của Hội KTS) là hình thức hóa / hình thức chủ nghĩa. Ngôn ngữ thường gặp là hoài cổ / giả cổ, quay trở lại với những hình thức của các thời kỳ cách đây 70-100 năm. Cũng có một số công trình có ngôn ngữ hiện đại mô phỏng kiểu kiến trúc Hi-tech hay Giải toả cấu trúc (de-construction), nhưng mới mang tính hình thức, vì chỉ diễn ra ở lớp vỏ bên ngoài. Còn về nội dung công năng thì phương thức sử dụng hỗn hợp vốn là một đặc trưng của lối sống và của kiến trúc truyền thống, cho nên xu hướng đa năng hóa và sử dụng linh hoạt đã sớm được nhân rộng, tuy nhiên mới ở trình độ lắp ghép đơn giản, chưa có được nền tảng công nghiệp hóa như các nước phát triển, nên thường gây cảm giác tạm bợ, làm biến thái cả chủ thể kiến trúc.

Một tín hiệu đáng mừng là trong khi trào lưu Kiến trúc “xanh” đang còn mới mẻ với nhiều nước, thì chúng ta đã có những công trình được giải thưởng, những dự án được bình chọn, những thiết kế được ghi nhận. Song cũng phải thừa nhận là hầu hết các giải pháp còn tỏ ra dễ dãi, thiếu những căn cứ tính toán xác thực, còn bản thân các giải thưởng đều nhằm mục đích cổ vũ cho một hướng đi mới đang trong bối cảnh “vạn sự khởi đầu nan” nên nặng tính động viên / tuyên truyền. Theo dự báo, Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ chịu tác động lớn nhất từ sự biến đổi khí hậu. Tình trạng ô nhiễm môi trường đã nghiêm trọng tới mức báo động, nhưng dường như chúng ta mới chỉ tiếp cận vấn đề một cách hình thức và lãng mạn. Mấy năm gần đây, Hội đồng công trình xanh (Green Building Council) đã mở chi nhánh tại Việt Nam (VGBC) và tổ chức được một số hoạt động (trong đó có việc nghiên cứu hệ thống tiêu chí đánh giá và hướng dẫn thực hiện), nhưng chưa nhận được sự quan tâm của giới chuyên môn, cũng như sự hỗ trợ của các cấp quản lý.

Cuối cùng, có thể thấy là Việt Nam đang ở thời kỳ quá độ, khi thế giới đang bước vào giai đoạn chuyển tiếp sang nền văn minh tri thức. Đây chính là cơ hội mà chúng ta có thể tận dựng để tạo ra sự chuyển hóa đúng hướng và kịp thời, nhằm rút ngắn khoảng cách với thế giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Marengo Shoemaker bật mí đến bạn chức năng của một đôi giày Oxford

Không phải đôi giày nào cũng có chức năng giống nhau, giày tây nam có rất nhiều loại, chẳng hạn như giày Brogues, giày tây nam Derby, giày L...