Nguyên nhân của một loạt các phẩm chất trên là do nghề quy hoạch ngày càng đòi hỏi những kỹ năng mới để đáp ứng với biến chuyển của xã hội đô thị. Đô thị biến đổi cấu trúc và không gian bên trong của nó hàng ngày cùng với tốc độ phát triển của các hoạt động sống bên trong như kinh tế, xã hội, giao thông. Trước kia ở giai đoạn đầu và giữa thế kỷ 20, quy hoạch đô thị được quan niệm như là thiết kế một đô thị, tổ chức, bố trí hình dạng vật thể của nó, giống như chúng ta thiết kế một cái máy vậy. Vai trò chính thực hiện quy hoạch được trao cho kiến trúc sư quy hoạch và kỹ sư xây dựng, những người được đào tạo và có chuyên môn về việc thiết kế nên những sản phẩm vật chất dành cho con người cư trú.
Quy hoạch đô thị là gì?
Sản phẩm của quan niệm quy hoạch đô thị này là những bản quy hoạch tổng thể (master plan) đã vẽ nên trạng thái đô thị ở trạng thái cuối cùng theo ý tưởng của các kiến trúc sư. Trong đồ án tổng thể đó lại có bản vẽ sử dụng đất để chắc chắn rằng công trình và chức năng sử dụng của nó mới là trung tâm các hoạt động đô thị. Điều này dẫn tới quan niệm quy hoạch đô thị này tuy minh bạch, rõ ràng nhất nhưng khi vận dụng trở nên cứng nhắc, đặc biệt các đô thị cải tạo hay vấp phải sự khó khăn trong nguồn lực thực hiện hoặc các công cụ quản lý cần thiết.
Tuy nhiên vào thời điểm đó thì quan niệm này rất thời thượng vì nó phù hợp với mong muốn của các nhà quy hoạch hồi đó muốn xây dựng những cỗ máy đô thị đơn giản hiệu quả, thông thoáng sạch sẽ cho những vùng đô thị mới, nhất là cho những đô thị tái thiết sau khi thế chiến thứ hai tàn phá.
Nhưng rồi thì hạn chế của quy hoạch đô thị theo quan niệm thiết kế hình dáng vật thể của đô thị ngày càng bộc lộ. Việc quét sạch các khu nhem nhuốc trong đô thị để xây dựng các đô thị mới đơn giản, cao tầng, khô khốc và mang “phong cách quốc tế”, tức là chẳng cần chút gì bản sắc địa phương, dẫn đến việc hủy hoại cả những cộng đồng địa phương đang rất phong phú về đời sống kinh tế xã hội. Dần dần người ta chối bỏ cách quy hoạch như vậy và phê phán các kiến trúc sư quy hoạch quá tập trung vào các ý tưởng, và công năng và thiết kế, mà bỏ qua việc tìm hiểu kỹ càng văn hóa và lối sống kinh tế xã hội tại địa phương. Năm 1961, cuốn sách Cái chết và cuộc sống của các thành phố lớn của Mỹ do Jane Jacobs viết phân tích và phản đối các chính sách cải tạo đô thị vào những năm 1950 của chính phủ Mỹ, cuốn sách luôn đứng thứ nhất như một tài liệu tham khảo về quy hoạch đô thị và tác giả của nó cũng luôn đứng vị trí số 1 trong những nhà lý luận về đô thị.
Tiếp thu các lý luận phê bình và để thay thế cho quan niệm thiết kế hình dạng vật thể của đô thị, những năm 1960 xuất hiện hai quan niệm thay thế. Quan điểm thứ nhất là sửa chữa quan điểm trước kia, tức là người làm quy hoạch trước hết phải tìm hiểu thật kỹ về cuộc sống đô thị trước khi tiến hành thực hiện quy hoạch. Đô thị xem như một hệ thống các chức năng của các hoạt động và người dân ràng buộc nối kết với nhau. Và nhà quy hoạch phải hiểu đô thị như một hệ thống đang hoạt động sau đó mới can thiệp để tối ưu hóa hoạt động của hệ thống đó.
Quan điểm thay thế thứ hai là coi quy hoạch đô thị như một tiến trình tác động liên tục, can thiệp nhiều lần chứ không phải thiết kế và xây dựng một lần là đạt được trạng thái cuối cùng. Cách tiếp cận này là cách áp dụng lý thuyết và ra quyết định trong lĩnh vực khoa học về quản trị sang đối với quy hoạch đô thị. Theo đó thì sau khi xác định các vấn đề đô thị và các mục tiêu của quy hoạch, nhà quy hoạch sẽ cân nhắc các chính sách hoặc các quy hoạch thay thế sau đó thực hiện, khi thực hiện thì giám sát liên tục về hiệu quả thực hiện và tiến trình này sẽ luôn vận hành cho đến lúc đã cải tạo được trạng thái quy hoạch cũ hoặc xuất hiện vấn đề mới.
Qua hai cách nhìn này thì quy hoạch đô thị mang nhiều tính khoa học chính xác hơn tính thiết kế sáng tác và các nhà quy hoạch cần được đào tạo thêm nhiều kiến thức về kinh tế xã hội và địa lý. Xu hướng biến chuyển này về nhận thức của quy hoạch đô thị dẫn đến việc nguồn nhân lực cho công tác quy hoạch dịch chuyển dần khỏi các trường đào tạo về kiến trúc, kỹ sư mà chuyển sang các ngành đào tạo như địa lý học đô thị, kinh tế đô thị. Và cả kiến thức về môi trường, sinh thái sau này, khi những mối lo lắng về tác động xấu của con người tới môi trường tự nhiên thúc ép các nhà quy hoạch phải lồng ghép tiêu chuẩn sinh thái vào trong dự án của mình, với khát vọng hướng tới một mục tiêu phát triển bền vững.
Mô hình cũ thiết kế kiến trúc đô thị vẫn giữ một vị trí riêng cho mình, đặc biệt khi thiết kế những dự án quy hoạch đô thị mới. Thường thì thiết kế đô thị hay xuất hiện ở những giai đoạn mang tính hành động của cả tiến trình. Tuy nhiên ở một số nước như Việt Nam chẳng hạn, quan điểm cũ này vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo.
Những quan điểm nảy sinh thập kỷ 60 phía trên thường được gọi là quan điểm hệ thống hay duy lý, vì cái nhìn về quy hoạch đô thị vẫn xuất phát từ góc độ của cơ quan quản lý, từ trên xuống. Những lý luận dựa trên quan điểm đó lại một lần nữa bị phê phán từ góc độ cộng đồng, từ dưới lên. Những năm 60, khi các phong trào dân chủ, nhân quyền, nữ quyền diễn ra mạnh mẽ ở các nước phương tây thì quy hoạch đô thị cũng không là ngoại lệ. Người ta đặt các vấn đề quy hoạch phải có sự tham gia của cộng đồng địa phương, và ý kiến của những người dân phải có tầm quan trọng ngang với những nhà quy hoạch và quản lý. Vấn đề của quy hoạch là xây dựng một môi trường đô thị tốt để cho cộng đồng sinh hoạt, hướng tới cái phải đạt được chứ không phải hướng tới cái có thể đạt được. Một dự án quy hoạch đô thị ảnh hưởng khác nhau tới những nhóm xã hội trong cộng đồng, nên sẽ dẫn đến một sự đồng thuận chung, công khai để đạt được các giá trị chung, cân bằng giữa các nhu cầu của các nhóm. Như vậy quyết định quy hoạch không còn dựa trên ý chí của nhà quy hoạch hay cơ sở khoa học nữa, mà là một lựa chọn chính trị và giá trị đạt được. Tức là theo quan điểm này quy hoạch đô thị đã trở thành hoạt động chính trị. Và nhà quy hoạch sau khi dồn tâm sức nghiên cứu và thiết kế lập dự án, cần có thêm kỹ năng thuyết trình thuyết phục và làm việc với những nhóm xã hội khác nhau để cân bằng lợi ích giữa các nhóm.
Nhưng làm việc với các nhóm cộng đồng vẫn là chưa đủ. Quy hoạch xây dựng đô thị là một dự án tốn kém và rất cần những nhà đầu tư về vốn, hoặc các nguồn lực khác. Thực tế là chính quyền không đủ ngân sách để xây dựng hết mọi nơi, hơn nữa, việc kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân mang lại nhiều sáng kiến giá trị hơn rất nhiều là sự rập khuôn máy móc trong quản lý nhà nước. Và quan điểm này của quy hoạch đô thị dựa trên áp dụng những tính chất của nền kinh tế thị trường, trong đó nhà nước chỉ kiểm soát doanh nghiệp và đảm bảo lợi ích cộng đồng. Câu chuyện “tay ba” giữa chính quyền – nhà đầu tư- cộng đồng đã đẩy vị trí những người làm quy hoạch vào giữa bắt buộc họ phải trang bị thêm những kiến thức về quyền lợi và lợi ích đầu tư của các chủ sở hữu nguồn lực và có kỹ năng đàm phán, thỏa thuận để đảm bảo dự án hoạt động. Một dự án quy hoạch đô thị trở thành một bài toán về quản lý hoạt động hiệu quả hơn là chỉ đạo và lên kế hoạch, chính sách.
Như vậy kỹ năng của nhà quy hoạch trong vòng mấy chục năm đã phải thay đổi bổ sung rất nhiều do những đòi hỏi của một đô thị ngày càng phức tạp. Từ một người chuyên thiết kế trở thành một chuyên gia phân tích kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái, có kỹ năng đàm phán thỏa thuận, làm việc với cộng đồng và các nhóm lợi ích khác nhau để đề xuất và thực hiện những phương án đạt được sự cân bằng lợi ích.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét