Thứ Hai, 12 tháng 11, 2018

【Giải đáp】Kiến Trúc Xanh Là Gì? Áp Dụng Kiến Trúc Xanh Vào Đời Sống Như Thế Nào?

Khái niệm “kiến trúc xanh”, hay gọi cách khác là “kiến trúc bền vững” (sustainable building), được dùng để đề cập đến công tác kiến tạo các công trình kiến trúc và sử dụng những phương pháp mang tính thân thiện với môi trường và tính hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong suốt “đời sống” của công trình: từ thiết kế, xây dựng, điều hành, bảo trì, cải tạo cho đến tháo dỡ. Khái niệm này được mở rộng và bổ sung thêm vào những mục tiêu của công tác thiết kế xây dựng truyền thống là kinh tế, hữu dụng, kiên cố và tiện nghi.


Áp dụng kiến trúc xanh vào căn hộ


Mặc dù con người không ngừng phát triển những kỹ thuật mới để tăng cường cho công tác kiến tạo các công trình xanh, mục tiêu chính của kiến trúc xanh vẫn là xoay quanh vấn đề giảm các xung đột chính giữa môi trường xây dựng nhân tạo với sức khỏe con người và môi trường thiên nhiên, bằng các cách:

  • Sử dụng một cách có hiệu quả năng lượng, nước và các tài nguyên thiên nhiên khác
  • Bảo vệ sức khỏe của người sử dụng công trình và tăng sức sản xuất của nhân lực.
  • Giảm chất thải, ô nhiễm và sự suy thoái của môi trường.


Có một khái niệm tương tự là “kiến trúc tự nhiên” (natural building), thường dùng để nói đến những trường hợp công trình quy mô nhỏ hơn và thiên về hướng sử dụng các vật liệu nguồn gốc tự nhiên thường có sẵn tại địa phương.

Năm 2011, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã chính thức ra tuyên ngôn “Kiến trúc xanh Việt Nam” và ban hành 5 tiêu chí cụ thể của kiến trúc xanh Việt Nam. Theo đó, kiến trúc xanh không chỉ là công trình có nhiều cây xanh, thân thiện với môi trường mà còn phải bao hàm cả tính xã hội - nhân văn… Ví dụ, một công trình đáp ứng được rất nhiều yếu tố “xanh” như: Có nhiều cây xanh, sử dụng vật liệu công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, nếu trong quá trình xây dựng, công trình này phá vỡ cảnh quan xung quanh khu vực sẽ không phải là một kiến trúc xanh.

Theo KTS. Lê Văn Thiêm - Hội Kiến trúc sư Việt Nam, kiến trúc xanh không phải là một điều gì đó xa lạ với người Việt. Trên thực tế, ở Việt Nam kiến trúc xanh đã có từ rất xa xưa, đó là cấu trúc nhà truyền thống được xây dựng bằng vật liệu đất nện, tre, mái lợp bằng rơm; làm nhà hướng Nam để đón gió mát về mùa hè, tránh gió lạnh về mùa đông; có ao hồ trước nhà, cây cối xung quanh. Xã hội ngày càng phát triển, quá trình đô thị hóa đã dần phá vỡ những kiến trúc xanh ở các vùng nông thôn. Tuy không thể hoài niệm những cái cổ xưa, nhưng đó là những bài học, là triết lý trong thiết kế mà kiến trúc hiện đại có thể kế thừa và phát huy.

Ông Thiêm chia sẻ, trong kiến trúc hiện đại, để một công trình đạt được tất cả các tiêu chí của kiến trúc xanh là rất khó, bởi ngoài trình độ của kiến trúc sư còn cần phải có một nguồn vốn lớn, mà không phải nhà đầu tư nào cũng "chịu chi", đó là chưa kể những yếu tố về xã hội, nhân văn. Tuy nhiên, khó nhưng không phải là không thể, Việt Nam đã có một số công trình đạt giải kiến trúc xanh của thế giới như công trình Ngôi nhà xanh, Bamboo Wing của KTS Nguyễn Trọng Nghĩa...

Để kiến trúc xanh trở thành xu thế trong kiến trúc hiện đại của Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng đã và đang thực hiện công tác tuyên truyền, tôn vinh các công trình đạt kiến trúc xanh, tổ chức các khóa đào tạo nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ kiến trúc sư...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Marengo Shoemaker bật mí đến bạn chức năng của một đôi giày Oxford

Không phải đôi giày nào cũng có chức năng giống nhau, giày tây nam có rất nhiều loại, chẳng hạn như giày Brogues, giày tây nam Derby, giày L...